Một chương trình Chuyển đổi Số (Digital Transformation), xét cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực đều có những tác động rất lớn đến xã hội trong nhiều khía cạnh khác nhau. Và những tác động này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tổ chức nói riêng mà còn có ảnh hưởng rộng rãi đến cộng đồng và xã hội nói chung. Do vậy, các tổ chức nên xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc về những tác động có thể có từ chương trình Chuyển đổi Số của mình đến cộng đồng và xã hội như là một phần của quá trình Đánh giá Tiền khả thi (Feasibility Assessment) trước khi quyết định triển khai chương trình. Dưới đây là một vài trong số những tác động gây ảnh hưởng nhiều nhất đến cộng đồng và xã hội, bao gồm:
1. Tạo ra những mô hình và cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng làm gia tăng tốc độ đào thải những mô hình tổ chức kinh doanh lỗi thời: Chuyển đổi Số, không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ vào quá trình hoạt động kinh doanh mà còn tạo ra các kết nối đan xen trong một mạng lưới tinh vi và phức tạp, đồng thời thông qua mức độ truy cập dữ liệu toàn cầu sẽ mở ra vô số những cơ hội cho các tổ chức để phát triển nên các sản phẩm và dịch vụ mới, sáng tạo nên những mô hình kinh doanh mới, khám phá các thị trường mới và tạo ra những nguồn thu nhập mới từ các mô hình và thị trường này. Các tổ chức sẽ phải chuyển đổi từ hệ thống kinh doanh được kết nối một cách lỏng lẻo theo truyền thống sang mô hình mạng lưới đa dạng và linh hoạt hơn nhưng cũng chặt chẽ hơn. Có thể do sự không đồng bộ với sự phát triển và tiến bộ của công nghệ, cũng có thể là do sự xuất hiện và tiến hóa không ngừng của các tổ chức cạnh tranh mới chỉ trong một thời gian ngắn, hoặc chỉ đơn giản là sự gia tăng hiệu suất và tối ưu việc sử dụng nguồn lực của các tổ chức Chuyển đổi Số thành công, tất cả chỉ là một vài trong số những yếu tố sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ đào thải những tổ chức không tích hợp được năng lực thích nghi và tự thay đổi vào quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
2. Tạo ra những cơ hội việc làm mới ßà Đào sâu khoảng cách kỹ thuật: Tương ứng với các mô hình kinh doanh và thị trường mới được tạo ra từ chương trình Chuyển đổi Số, rất nhiều ngành nghề và cơ hội việc làm mới cũng sẽ xuất hiện kèm theo đó là những kiến thức và kỹ năng mới. Một số ví dụ bao gồm kinh doanh trực tuyến, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và máy học, quản lý và phân tích dữ liệu, tương tác và chăm sóc khách hàng qua các nền tảng trực tuyến, v.v… Tuy nhiên, Chuyển đổi Số cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật giữa các cá nhân, tổ chức và các quốc gia. Chúng ta không thể phủ nhận rằng sự tiến bộ về công nghệ và kỹ thuật mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, tuy nhiên, mức độ tự động hóa và phụ thuộc vào công nghệ và kỹ thuật ngày càng nhiều sẽ càng làm cho khoảng cách kỹ thuật càng trở nên sâu và rộng hơn, kéo theo đó là sự lệ thuộc vào những công nghệ lõi thuộc sở hữu của những ông lớn. Do đó, đảm bảo tính công bằng tương đối trong việc tiếp cận cả những công nghệ mới lẫn cơ hội việc làm mới cho mọi người sẽ là một thách thức không hề nhỏ cho tất cả các tổ chức.
3. Cải thiện và nâng cao hiệu suất/Đẩy nhanh tốc độ khai thác dẫn đến cạn kiệt tài nguyên: Công nghệ kỹ thuật số giúp tối ưu hóa các quy trình, cải thiện và tăng cường hiệu suất thông qua việc sử dụng máy móc và tự động hóa rất nhiều quy trình nghiệp vụ, từ đó đạt được hiệu suất cao hơn và giảm thiểu được những lỗi do con người gây ra. Dữ liệu về hiệu suất được thu thập và đo lường chính xác một cách máy móc để cung cấp những thông tin giá trị cho quá trình đưa ra quyết định, giúp các tổ chức xác định được những điểm yếu hoặc cần cải thiện trong các quy trình nghiệp vụ một cách chính xác, nhanh chóng và kịp thời. Hệ quả là năng lực sản xuất của các tổ chức sẽ được tối đa hóa, các điểm gây lãng phí được giảm thiểu hoặc triệt tiêu, năng lực cạnh tranh được cải thiện và … ngày càng sản xuất và cung cấp được nhiều sản phẩm/dịch vụ hơn nữa. Tuy nhiên, thực tế là con người đang phát triển những công nghệ mới với kỳ vọng rằng những công nghệ này có thể giải quyết được vấn đề khai thác và lạm dụng tài nguyên tự nhiên quá mức như hiện tại. Vì vậy, các tổ chức Chuyển đổi Số cũng cần phải cân nhắc một cách thận trọng về những tác động đến môi trường tự nhiên của chương trình Chuyển đổi Số của mình để vừa có thể tận dụng những ưu thế của công nghệ nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được một môi trường thiên nhiên bền vững cho xã hội và cộng đồng.
4. Tiếp cận dữ liệu và thông tin trên diện rộng/Rác Công nghệ/Nguy cơ rò rỉ và mất quyền riêng tư dữ liệu: Cùng với sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của những công nghệ lõi và công nghệ phụ trợ, chúng ta đang dịch chuyển sang một mô hình kết nối sâu rộng và phức tạp hơn bao giờ hết. Điều này đã giúp cho các tổ chức có thể tiếp cận với rất nhiều nguồn dữ liệu và thông tin từ vô số các nguồn khác nhau trên thế giới. Từ những dữ liệu khách hàng được cá nhân hóa, đến những thông tin được thu thập và xử lý từ các thiết bị IoT, đến dữ liệu nghiệp vụ và kinh doanh được lưu trữ trên các đám mây, Chuyển đổi Số kéo theo những rủi ro về đảm bảo an ninh mạng và bảo mật thông tin. Các vụ tấn công mạng và vi phạm dữ liệu có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho tất cả các bên có liên quan tới tổ chức. Các cá nhân cũng sẽ gặp phải nguy cơ đánh mất quyền riêng tư và quyền kiểm soát đối với những thông tin cá nhân khi chúng được thu thập và sử dụng với sự đồng ý một cách rõ ràng từ phía người dùng. Những điều này đã buộc các chính phủ và các cơ quan lập pháp cũng phải luôn thay đổi và cập nhật các luật lệ và quy định liên quan đến dữ liệu và thông tin, khiến cho các tổ chức sẽ gặp phải những khó khăn lớn khi phải đảm bảo tính tuân thủ với những quy định và luật lệ mới này trong quá trình chuyển đổi và hòa nhập với Thế giới Số trong tương lai.
5. Rác Công nghệ: Các chương trình Chuyển đổi Số tạo ra một lượng lớn rác công nghệ, kể cả về mặt vật chất lẫn dữ liệu, và buộc các tổ chức phải dành ra một nguồn tài nguyên đáng kể để xử lý, tái chế hoặc tiêu hủy một cách thích hợp. Chương trình Chuyển đổi Số có thể sẽ đòi hỏi các tổ chức bắt buộc phải thay thế hoặc nâng cấp một phần hoặc toàn bộ các thiết bị phần cứng để đảm bảo tính tương thích với công nghệ mới. Ngoài ra, hoàn toàn giống với các mô hình xử lý dữ liệu và thông tin theo truyền thống, chương trình Chuyển đổi Số cũng tạo ra và lưu trữ một lượng đáng kể rác dữ liệu bao gồm những dữ liệu đã qua sử dụng hoặc không còn cần thiết và đã bị lỗi thời nhưng chưa được tiêu hủy. Do đó, các tổ chức nên xem xét và triển khai thực hiện các chiến dịch, quy định và chính sách tái chế và xử lý lượng rác công nghệ này một cách thích hợp để đảm bảo tính an toàn và tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu và bảo vệ môi trường trong khả năng tốt nhất của mình.
Tóm lại, chương trình Chuyển đổi Số luôn đồng hành cùng với những lợi ích, thách thức và rủi ro. Để đảm bảo tối ưu hóa tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực, các tổ chức cần phải xem xét và đánh giá toàn bộ các kế hoạch của chương trình Chuyển đổi Số một cách toàn diện, cẩn trọng và kỹ lưỡng để đảm bảo đạt được những lợi ích phù hợp nhất cho cả tổ chức lẫn cộng đồng và xã hội.
“Kiểm soát sự thay đổi chỉ là ảo tưởng nhưng đứng yên là điều tệ nhất. Thay vào đó, hãy đắm chìm vào sự băn khoăn, trải nghiệm niềm vui khi nhận ra có bao nhiêu điều cần học và khám phá trên thế giới này, sau đó coi sứ mệnh của mình là chia sẻ điều đó với những người xung quanh”.
Trích phỏng vấn Cathy Davis-Herbert
Giám đốc Điều hành của Đại học Grant MacEvan
Nguyễn Thế Hùng – ITM tại Frasers Law – CTV của Phi&P – QTV của Cộng đồng Công nghệ Số CDA