“Con người sẽ được thúc đẩy chỉ bởi hai loại nhu cầu: thứ cần để tồn tại và thứ cần để phát triển”.
Lindsay Herbert – Phụ trách Chuyển đổi Số tại IBM
Với một chương trình Chuyển đổi Số thành công, không khó để chúng ta có thể nhận biết được những lợi ích hiển nhiên của chương trình đối với tổ chức. Đó là tối ưu được chi phí vận hành, tăng năng suất và hiệu quả công việc, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, lãnh đạo đưa ra những quyết định sáng suốt một cách nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo kịp thời và nhất quán, cải thiện hành trình trải nghiệm của khách hàng, v.v... tất cả những điều này giúp gia tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, từ đó, kết quả của hoạt động kinh doanh được cải thiện và tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn đó những lợi ích tiềm ẩn khác khó đo lường hơn khiến cho chúng thường không được chú ý hoặc thậm chí bị bỏ qua, dẫn đến việc giải trình phân tích lợi ích – chi phí cho chương trình không đủ sức thuyết phục các nhà quản lý đồng ý đầu tư vào Chuyển đổi Số. Và dưới đây là những lợi ích tiềm ẩn lớn nhất mà một tổ chức có thể đạt được từ một Chương trình Chuyển đổi Số toàn diện và thành công.
1. Văn hóa kết nối và cộng tác: Chương trình Chuyển đổi Số kết nối tổ chức với tất cả các bên có liên quan - bao gồm cả nhân viên, khách hàng và đối tác - một cách liên tục và nhất quán thông qua nền tảng công nghệ, khả năng truy cập tài nguyên số gần như không bị giới hạn bởi những ranh giới vật lý và những tương tác số theo cách thức hoàn toàn mới. Thông qua văn hóa kết nối, tất cả mọi người có liên quan được khuyến khích sử dụng các công cụ và quy trình tương tác để chia sẻ thông tin và cảm xúc, cũng như trao đổi những ý tưởng mới một cách dễ dàng và nhanh chóng để từ đó hình thành nên một môi trường giao tiếp mở và trong suốt, nơi chúng ta có thể cùng nhau cộng tác bằng những ý kiến đa dạng và đa chiều giữa các cá nhân, đội nhóm trong nội bộ tổ chức và các đối tác bên ngoài khác. Kết quả là một hệ sinh thái kết nối cùng nhau tạo ra mạng lưới giá trị cho cả cộng đồng chứ không chỉ riêng tổ chức hoặc khách hàng.
2. Lực lượng lao động linh hoạt và thích nghi: Độ tuổi tiếp cận với những công nghệ mới đang ngày càng được trẻ hóa hơn. Được kết hợp với Văn hóa kết nối được đề cập ở trên, lực lượng lao động của một tổ chức đã được Chuyển đổi Số toàn diện sẽ có khả năng hay nói chính xác hơn là xây dựng được năng lực tiếp thu và tích hợp những kiến thức, công nghệ, hệ thống và quy trình làm việc mới vào những hoạt động hàng ngày của mình. Năng lực này chính là nền tảng thiết yếu để tổ chức có thể học hỏi, thử nghiệm và sáng tạo để tạo ra những giải pháp mới có thể đáp ứng được những thay đổi mới nổi của môi trường. Quá trình này được lặp lại liên tục và không ngừng nghỉ để rồi các tổ chức có thể kiến tạo được năng lực và lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường “phẳng” ngày nay, có thể được thể hiện và đo lường qua số lượng và chất lượng của kho tri thức độc đáo của tổ chức, số lượng và chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ hoặc giải pháp đáp ứng cho nhu cầu của thị trường hoặc khả năng tự lãnh đạo và tự quản của các cá nhân hoặc đội nhóm trong tổ chức.
3. Giải phóng tư duy đổi mới và sáng tạo: Khi khối lượng công việc hoặc những hoạt động hàng ngày trong tổ chức ngày càng được tự động hóa và được xử lý bằng những công cụ kỹ thuật, các thành viên của tổ chức càng được giải phóng và càng có thể dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động có tính sáng tạo khác. Ví dụ, họ có thể được khuyến khích và sử dụng phần lớn thời gian để đưa ra những ý tưởng mới dựa trên sự hỗ trợ từ công nghệ, vốn không bị ràng buộc hay giới hạn bởi những nguyên tắc truyền thống. Hoặc họ cũng có thể tận dụng kết nối để tiếp thu các ý kiến phản hồi đa dạng từ nhiều bên để phát triển nên những cách thức và quy trình làm việc hoàn toàn mới hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, họ cũng có được đủ nguồn tài nguyên tri thức đã được tích lũy bằng công nghệ để cải tiến và không ngừng cập nhật các sáng kiến triển khai những ý tưởng sáng tạo và các dự án đổi mới trong tổ chức.
4. Minh bạch và Trong suốt: Như đã được đề cập trước đó, Chuyển đổi Số là toàn bộ quá trình kiến tạo và tận dụng sức mạnh của công nghệ để làm thay đổi một cách đáng kể toàn bộ hoạt động kinh doanh của một tổ chức bằng những năng lực, kỹ thuật, nghiệp vụ và quy trình theo hướng-số-hóa. Với Chuyển đổi Số, các tổ chức có thể tự động hóa rất nhiều công việc thường nhật của các thành viên thành những quy trình được tính toán và xử lý hầu hết bằng máy móc. Và lúc này, luồng dữ liệu cũng như quá trình xử lý là gần như không thể được can thiệp bởi con người nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực và độ tin cậy của thông tin đang được xử lý. Yếu tố này góp phần quan trọng làm mờ dần ranh giới vô hình trước đây giữa các bộ phận trong cùng một tổ chức, vốn bị đóng khung trong các silo từ hệ quả của một cấu trúc tổ chức phân cấp. Kết quả là văn hóa kết nối và tương tác tiếp tục được củng cố, tư duy sáng tạo và đổi mới được truyền bá nhiều hơn, nhanh hơn và rộng hơn trong khắp tổ chức, khiến cho tổ chức linh hoạt và thích nghi tốt hơn với môi trường hoạt động kinh doanh của mình.
5. Năng lực Tự-quản: Một chương trình Chuyển đổi Số thành công luôn thúc đẩy và khuyến khích tổ chức cùng các thành viên của nó phát triển năng lực tự quản lý, điều hành, đưa ra và thực thi các quyết định đúng đắn và kịp thời dựa trên cơ sở từ nguồn dữ liệu chất lượng cao được tổng hợp, phân tích và xử lý bởi các hệ thống công nghệ. Tổ chức sẽ trở nên thông minh hơn, có khả năng tự điều chỉnh tốt hơn và nhanh hơn để thích nghi với những tình huống phức tạp hoặc không dự đoán trước được. Và nhờ vào sự tiếp cận với những nguồn thông tin chiến lược vốn trước kia chỉ được “dành riêng” cho các cấp quản lý, các thành viên của tổ chức đã có khả năng đánh giá, phân tích thông tin để có thể tự mình đưa ra những quyết định thích hợp nhất một cách có hệ thống và có định hướng trong mọi hoạt động của mình.
Tóm lại, một Chương trình Chuyển đổi Số toàn diện và thành công mang đến rất nhiều lợi ích cho mọi tổ chức, và sẽ là xu hướng tất yếu của các tổ chức nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời đại ngày nay.
“Chuyển đổi Số đòi hỏi bạn phải dùng văn hóa doanh nghiệp để có thể duy trì và thực hành trong suốt nhiều năm”.